Cam kết về thủ tục hải quan trong Hiệp định RCEP: Thúc đẩy sự nhất quán và minh bạch

Posted on Tin tức hải quan 150 lượt xem

Để tận dụng hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP), các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu cần tăng cường tìm hiểu, nắm rõ các quy định về thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại của Hiệp định thương mại tự do (FTA) này. Đây là yếu tố hết sức quan trọng, cần thiết.

Cam kết về thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại của RCEP nhằm tăng cường hiệu quả các thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian giải phóng hàng hóa. Ảnh: TTXVN
Cam kết về thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại của RCEP nhằm tăng cường hiệu quả các thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian giải phóng hàng hóa. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Công Thương, các điều khoản và quy định trong RCEP về cơ bản được xây dựng trên cơ sở những cam kết của Việt Nam trong WTO, FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối và FTA song phương mà Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi cho đến nay. Theo đó, phạm vi, mức độ và lĩnh vực cam kết đều phù hợp với luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Bộ Công Thương lưu ý rằng, một trong các cam kết của Hiệp định RCEP mà doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, quan tâm đó là thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại. Trong Hiệp định RCEP, các cam kết về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại được quy định trong Chương 4 với 21 điều khoản và 1 phụ lục; được thiết kế theo hướng thúc đẩy tính nhất quán, có thể dự đoán trước và minh bạch; đồng thời tăng cường hiệu quả các thủ tục hải quan rút ngắn thời gian giải phóng hàng hóa.

Theo đó, nội dung và cụ thể các cam kết về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại của Hiệp định RCEP được quy định cụ thể, gồm cam kết về minh bạch hóa, trong đó, hiệp định yêu cầu các nước phải công bố và khuyến khích công bố trên mạng internet thông tin về: Thủ tục hải quan (xuất nhập khẩu, quá cảnh cũng như các tài liệu, biểu mẫu bắt buộc đi kèm); các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến xuất nhập khẩu; quy tắc phân loại, định giá hàng hóa; các quy định, hướng dẫn về quy tắc xuất xứ; biện pháp hạn chế/cấm xuất nhập khẩu hoặc quá cảnh…

Về thủ tục hải quan, Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định RCEP yêu cầu các thủ tục này ở mỗi nước đều phải được thực hiện nhất quán trên toàn lãnh thổ; có thể dự đoán trước, bảo đảm thông quan nhanh chóng, đơn giản hóa và phù hợp với các tiêu chuẩn, thông lệ của tổ chức hải quan thế giới trong phạm vi thích hợp.

Bên cạnh đó, phải áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp ưu tiên; áp dụng hệ thống quản lý rủi ro dựa trên việc đánh giá rủi ro theo các tiêu chí phù hợp, không phân biệt đối xử tùy tiện, hạn chế thương mại trá hình; tập trung kiểm soát các lô hàng có mức độ rủi ro cao và giải phóng nhanh các trường hợp rủi ro thấp, kiểm soát ngẫu nhiên các lô hàng. Ngoài ra, phải có cơ chế kiểm tra sau thông quan, đối tượng (người, lô hàng) kiểm tra sau thông quan được xác định theo các tiêu chí quản lý rủi ro phù hợp, minh bạch kết quả kiểm tra.

Trong Hiệp định RCEP cũng đặt ra yêu cầu đối với một số vấn đề khác liên quan đến thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại như quy định liên quan đến hàng chuyển phát nhanh, khiếu kiện và kháng nghị.