Tùy thuộc vào từng loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu mà thủ tục hải quan cũng sẽ có sự khác nhau. Dưới đây là thông tin liên quan đến thủ tục hải quan đối với một số loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu phổ biến mà Trường Khang Logistics muốn chia sẻ tới bạn đọc!
Nội dung chính
Thủ tục hải quan xuất khẩu từ kho ngoại quan
Điều 88 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP có quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan. Cụ thể, trách nhiệm của người khai hải quan như sau:
- Khai tờ khai hải quan nhập khẩu theo các chỉ tiêu quy định tại mẫu số 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC;
- Thực hiện thủ tục hải quan nhập khẩu tương ứng đối với từng loại hình theo. Trong trường hợp người khai hải quan là chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan thì phải nộp hoặc xuất trình các chứng từ khi nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào kho ngoại quan;
- Thực hiện việc giám sát theo quy định khoản 4 Điều 52 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Thủ tục hải quan hàng phi mậu dịch
Hàng hóa phi mậu dịch là hàng hóa được xuất khẩu hoặc nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại, buôn bán. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa phi mậu dịch gồm có những giấy tờ cần chuẩn bị sau:
- Tờ khai hải quan nhập khẩu theo Mẫu HQ/2015/NK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC;
- Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị xác nhận về giao dịch hàng hóa phi mậu dịch.
- Nếu hàng xuất nhập khẩu nằm trong đối tượng miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì doanh nghiệp cần xuất trình thêm một số giấy tờ sau:
-
- Văn bản xét miễn thuế của Bộ Tài Chính trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng có trị giá vượt quá định mức miễn thuế theo quy định;
- 01 bản chính tờ khai xác nhận viện trợ không hoàn lại theo quy định của Bộ Tài Chính đối với trường hợp hàng hóa viện trợ không hoàn lại thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế GTGT;
- Văn bản ủy quyền (Nếu ủy quyền cho người khác nhập);
- Giấy phép xuất khẩu hàng hóa (Trường hợp xuất khẩu hàng có điều kiện);
- Các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Thủ tục hải quan hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập
Thủ tục hải quan tạm nhập tái xuất
Địa điểm làm thủ tục hải quan tạm nhập tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi lưu giữ hàng hóa tạm nhập.
Bên cạnh các giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan nhập khẩu, trong bộ hồ sơ hải quan tạm nhập, doanh nghiệp phải chuẩn bị thêm các giấy tờ sau:
- Hợp đồng mua bán hàng hóa nhập khẩu;
- Đối với hàng hóa thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập – tái xuất có điều kiện theo quy định của Chính phủ cần chuẩn bị thêm:
-
- Bản chụp giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất do Bộ Công Thương cấp;
- Giấy phép tạm nhập, tái xuất do Bộ Công Thương cấp đối với một số mặt hàng theo quy định (01 bản chính).
Thủ tục hải quan tái xuất
Bộ hồ sơ hải quan tái xuất gồm có các giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan xuất khẩu.
Lưu ý: Nếu thời điểm làm thủ tục hải quan tạm nhập, người khai báo hải quan thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo mẫu số HQ/2015/NK Phụ lục V được ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì khi làm thủ tục hải quan tái xuất, quá trình khai hải quan cũng được thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo mẫu quy định.
Thủ tục hải quan hàng xuất nhập khẩu tại chỗ
Theo khoản 5 Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) quy định về thủ tục hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ như sau. Cụ thể như sau:
Trách nhiệm của nhà xuất khẩu
- Khai đầy đủ thông tin trên tờ khai hải quan xuất khẩu và khai vận chuyển kết hợp. Lưu ý khi khai:
-
- Đối với ô “Điểm đích cho vận chuyển bảo thuế” ghi mã địa điểm của Chi cục Hải quan làm thủ tục hải quan nhập khẩu;
- Tại ô tiêu chí “Số quản lý nội bộ của doanh nghiệp” trên tờ khai xuất khẩu, doanh nghiệp phải khai thông tin như sau: #&XKTC.
- Thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa đầy đủ theo quy định;
- Thông báo cho nhà nhập khẩu việc đã hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu để nhà nhập khẩu thực hiện thủ tục hải quan nhập khẩu và giao hàng hóa;
- Tiếp nhận thông tin tờ khai hải quan nhập khẩu tại chỗ đã hoàn thành thủ tục hải quan từ nhà nhập khẩu tại chỗ để thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa tiếp theo.
Trách nhiệm của nhà nhập khẩu
- Khai thông tin tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu theo đúng thời hạn quy định;
- Thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa đầy đủ theo quy định;
- Thông báo việc đã hoàn thành thủ tục cho người xuất khẩu tại chỗ ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ để nhà xuất khẩu tại chỗ thực hiện các thủ tục tiếp theo;
- Sau khi hàng hóa nhập khẩu được thông quan thì mới được đưa hàng hóa vào sản xuất, tiêu thụ;
Lưu ý:
- Thời hạn làm thủ tục hải quan hàng xuất nhập khẩu tại chỗ: Căn cứ theo khoản 4 Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC), trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông quan hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp phải làm thủ tục hải quan hàng xuất nhập khẩu tại chỗ.
- Địa điểm làm thủ tục hải quan hàng xuất nhập khẩu tại chỗ: Căn cứ theo khoản 2 Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, thủ tục hải quan hàng xuất nhập khẩu tại chỗ được thực hiện tại Chi cục Hải quan thuận tiện do người khai hải quan lựa chọn.
Thủ tục hải quan hàng gia công, sản xuất xuất khẩu
Căn cứ theo điều 16 Thông tư số 39/2018/TT-BTC, một bộ hồ sơ xuất khẩu hàng gia công gồm có các loại giấy tờ sau:
- Tờ khai hải quan theo quy định tại mẫu số 02, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC;
- Hóa đơn thương mại hoặc các chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán;
- Hợp đồng ủy thác (Trường hợp doanh nghiệp ủy thác xuất khẩu);
- giấy phép xuất khẩu hoặc văn bản cho phép xuất khẩu của cơ quan có thẩm quyền về quản lý ngoại thương đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc diện quản lý theo giấy phép;
- Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc kết quả kiểm tra chuyên ngành hoặc các chứng từ khác theo quy định của pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành có giá trị tương đương.
Thủ tục hải quan hàng quá cảnh
Thủ tục hải quan hàng quá cảnh được thực hiện tại trụ sở hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 43 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP có quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra và giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh. Cụ thể thủ tục hải quan hàng quá cảnh bao gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai vận chuyển hoặc chứng từ thay thế cho tờ khai vận chuyển theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
- Bản kê khai chi tiết hàng hóa quá cảnh theo mẫu có sẵn do Bộ Tài chính ban hành;
- Chứng từ vận tải đối với trường hợp hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt và đối với hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường bộ đóng chung với hàng hóa nhập khẩu;
- Giấy phép hàng hóa quá cảnh theo quy định của pháp luật;
- Giấy thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Nắm rõ thủ tục hải quan là điều cần thiết nhằm giúp việc thông quan hàng hóa nhanh chóng, chính xác và đảm bảo tiến độ vận chuyển hàng hóa. Các doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ khai báo hải quan, liên hệ ngay với Trường Khang Logistics qua số Hotline 0903.733.559 để được tư vấn chi tiết nhất.